Ngữ Văn Lớp 6: 1. Đề đọc hiểu số 1
Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“…Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gẫy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. Đôi cánh tôi, trước kia ngắn hủn hoẳn bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe thấy tiếng phành phạch giòn giã. Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn. Đầu tôi to ra và nổi từng tảng, rất bướng. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc. Sợi râu tôi dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng. Tôi lấy làm hãnh diện với bà con về cặp râu ấy lắm. Cứ chốc tôi lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu”.
(Tô Hoài)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn bản trên?
Câu 2: Đoạn văn trên thuộc thể loại nào mà em đã được học ở đầu kì I lớp 6?
Câu 3: Chỉ ra ngôi kể của đoạn văn và tác dụng?
Câu 4: Tìm 2 từ đơn, 2 từ ghép và 2 từ láy có trong đoạn văn trên.
Câu 5: Trong câu văn: “Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc”, tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Nêu tác dụng.
Câu 6: Tự tin là cần thiết, nhưng tự cao tự đại sẽ gây hại. Em có đồng ý với ý kiến đó không? Vì sao?
2. Đề đọc hiểu số 2
Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Suku là một thằng cún nói chung ai nhìn cũng thích. Đôi mắt tròn, đen lay láy, ngây thơ ngơ ngác, mỗi khi nhin ai là khiến người ta phải động lòng.[…] Suku có đôi tai dài. Lông nó màu trắng, óng ánh và xoăn từng cụm, phủ dày từ chỏm đầu đến tận các ngón chân – trông nó giống hệt một con cừu. Khi nó nằm im, rất nhiều người tưởng nó là một con chó nhồi bông. Suku xinh đẹp như thế, tiên nhiên ai cũng muốn vuốt ve. Rất nhiều người bị bề ngoài của nó đánh lừa, nhưng chuyện đó tôi kể sau.
Như đã nói, thằng suku bây giờ trông bảnh bao, nhưng đã bắt đầu ục ịch. Lý do thì ai trong nhà cũng có thể chỉ ra: Suku không những ăn nhiều mà khẩu vị của nó có thể dung nạp mọi thứ thức ăn, mọi loại mùi vị. Những con chó khác, như con Haili con Pig, con Êmê và cả tôi nữa chỉ ăn những thứ gì mình thích. Suku thì khác. Nó ăn cơm, ăn xương, ăn bánh, ăn kẹo, ăn mọi thứ trái cây, nói chung thứ gì dạ dày tiêu hóa được là nó không bao giờ từ chối. Có vẻ như nó có thể nói “không” với tình yêu chứ nhất định không bao giờ nói “không” với thức ăn. Chị Ni đặt cho nó biệt danh là “cỗ máy nghiền”. Tôi đã từng nhìn thấy những người béo phì. Họ đi đứng rất khó khăn. Có người phải dùng một thứ trông giống như xe lăn để di chuyển vì họ không thể tự nhấc mình lên được. Thằng Suku chưa đến mức như thế nhưng những ngày gần đây nó rất lười hoạt động. Suốt ngày nó chỉ làm hai chuyện: nằm và thở.
(Nguyễn Nhật Ánh)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn bản trên?
Câu 2: Đoạn văn trên thuộc thể loại nào mà em đã được học ở đầu kì I lớp 6?
Câu 3: Chỉ ra ngôi kể của đoạn văn và tác dụng?
Câu 4: Tìm 2 từ đơn, 2 từ ghép và 2 từ láy có trong đoạn văn trên.
Câu 5: Chỉ ra một câu văn sử dụng biện pháp so sánh trong đoạn trên và nêu tác dụng.
Câu 6: Vì sao nhân vật Suku lại trở nên “ục ịch”. Theo em, chúng ta cần phải có chế độ ăn uống và sinh hoạt như thế nào để tránh bị béo phì? (Trả lời khoảng 3 câu)
3. Đề đọc hiểu số 3
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Hàng chuối lên xanh mướt
Phi lao reo trập trùng
Vài ngôi nhà đỏ ngói
In bóng xuống dòng sông
Một bác chài chăm chỉ
Buông câu trong bóng chiều
Bỗng nhiên một con cá
Nhảy bên thuyền như trêu
Bắp ngô non răng sún
Óng vàng một chòm râu
Ôi cánh buồm nhỏ bé
Biết bay về nơi đâu?
(Trần Đăng Khoa)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
Câu 2: Văn bản trên thuộc thể loại nào mà em đã được học ở đầu kì I lớp 6?
Câu 3: Tìm 2 từ ghép và 2 từ láy có trong văn bản trên.
Câu 4: Chỉ ra biện pháp tu từ trong hai câu: “Bắp ngô non răng sún/
Óng vàng một chòm râu”, nêu tác dụng.
Ngữ Văn Lớp 6: 1. Đề đọc hiểu số 1 Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các câu hỏi: “…Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt,